Nhóm chuyên môn Kỹ thuật hàng không và Vũ trụ

KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG VÀ VŨ TRỤ

      Nhận thấy vai trò quan trọng của ngành Hàng không đối với đất nước, Trường ĐHBK Hà Nội đã mở ra chương trình đào tạo kỹ sư ngành Kỹ thuật Hàng không vào năm 1996. Khóa sinh viên kỹ thuật hàng không Bách Khoa đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1999. Năm 1999 cũng đánh dấu khóa tuyển sinh đầu tiên của Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV). Đây là dự án hợp tác về đào tạo giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, trong đó ngành Cơ khí Hàng không được mở tại hai trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Bách Khoa TP HCM). Bằng tốt nghiệp Kỹ sư chất lượng cao được ủy ban Bằng kỹ sư của Pháp và chính phủ Pháp công nhận trình độ kỹ sư tương đương. 

     Sự ra đời của các chương trình đào tạo gắn liền với các giai đoạn phát triển của Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, nay là Nhóm chuyên môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ. Tên gọi của Bộ môn cũng có sự thay đổi qua các giai đoạn. 

  • Năm 1996 – 1998: Bộ môn Máy và Tự động thủy khí. 
  • Năm 1998 – 2003: Bộ môn Kỹ thuật Thuỷ khí và Hàng không (gộp vào từ 2 Bộ môn Thủy khí động lực và Máy –Tự động thủy khí). Đồng thời đánh dấu sự phát triển của ngành Hàng không bằng việc ra đời Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) chuyên ngành Cơ khí Hàng không. 
  • Năm 2003 – 2009: Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Máy & Tự động thủy khí 
  • 04/2009: Thành lập Bộ môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ trên cơ sở tách riêng hai ngành Hàng không và Máy & Tự động thuỷ khí. 
  • Từ 2022, Nhóm chuyên môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ, thuộc Khoa Cơ khí Động lực, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. 

     Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mặc dù còn rất non trẻ, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như hợp tác quốc tế. Tính đến năm 2022, đã có 24 khóa kỹ sư hệ đào tạo truyền thống và 19 khóa kỹ sư chất lượng cao cơ khí hàng không đã tốt nghiệp ra trường, đóng góp một phần quan trọng vào nguồn nhân lực cho ngành Hàng không Việt Nam (với khoảng 60% số sinh viên ra trường làm việc trong lĩnh vực Hàng không). Ngoài ra, khoảng 10% các sinh viên tốt nghiệp nhận được các học bổng để tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ. Bộ môn đã xây dựng hoàn chỉnh các chương trình đào tạo bao gồm các bậc kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ ngành hàng không. Về nghiên cứu khoa học, Bộ môn đã tổ chức chủ trì thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (đề tài tiềm năng cấp nhà nước, đề tài nghị định thư, đề tài hợp tác công nghiệp…). Chương trình Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị bay thông minh do Bộ môn đề xuất cũng bước đầu đạt được những thành công nhất định. Về hợp tác quốc tế, Bộ môn đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước như Vietnam Airline, Vietjet Air, VAECO, AESC, Safran (Pháp), MHI (Nhật Bản), ĐH ENSMA (Pháp), ĐH Nagoya (Nhật Bản), ĐH ITB (Indonexia). 

     Nhóm chuyên môn Kỹ thuật Hàng không và Vũ trụ hiện có 10 cán bộ, trong đó có 2 Phó giáo sư, 8 tiến sỹ. Nhóm chuyên môn phụ trách đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật hàng không. Hiện nhóm chuyên môn đang được giao phụ trách các môn học chuyên ngành của 02 chương trình đào tạo: 

  • Chương trình Cơ khí Hàng không Việt-Pháp (PFIEV) (Mã tuyển sinh: TE-EP) 
  • Chương trình Kỹ thuật hàng không (Mã tuyển sinh: TE3)

Trưởng NCM: PGS. TS. Vũ Đình Quý 

Liên hệ 

NCM KỸ THUẬT HÀNG KHÔNG VÀ VŨ TRỤ 

  • Phòng 707M – C7, ĐHBK Hà Nội 
  • Email: ased@hust.edu.vn