Dịch vụ kỹ thuật (Trung tâm NC các nguồn động lực và phương tiện tự hành)

1.      Thông tin chung

Tên Tiếng Việt: Trung tâm nghiên cứu các Nguồn động lực và Phương tiện tự hành

Tên Tiếng Anh: Research Center for Propulsion Systems and Autonomous Vehicles

Giám đốc: PGS. TS Phạm Hữu Tuyến

Phó Giám đốc: PGS.TS Nguyễn Thế Lương

Địa chỉ: Nhà C15, Đại học Bách khoa Hà Nội,

Số 1, Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Email: tuyen.phamhuu@hust.edu.vn

Website:

Trung tâm nghiên cứu các Nguồn động lực và Phương tiện tự hành được đổi tên từ Trung tâm nghiên cứu Động cơ, nhiên liệu và khí thải theo Quyết định số 2598/QĐ-ĐHBK-TCCB ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trước đây, Trung tâm nghiên cứu Động cơ, nhiên liệu và khí thải, tiền thân là Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong được xây dựng trên cơ sở Tiểu dự án thuộc Dự án “Phát triển, nâng cấp Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong và chuyển giao công nghệ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật thuộc Đại Học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh” và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2004.

Đến nay, Trung tâm đã tham gia, phối hợp và chủ trì nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực Cơ khí động lực và các lĩnh vực liên quan. Cán bộ Trung tâm đã chủ trì 04 đề tài cấp nhà nước, 2 đề tài cấp thành phố, 5 đề tài cấp Bộ Giáo dục, 1 đề tài hợp tác quốc tế thuộc dự án AUN/SEED-Net, nhiều đề tài cấp Trường, tham gia phối hợp thực hiện nhiều đề tài, dự án NCKH các cấp. Kết quả các nghiên cứu sử dụng trang thiết bị thí nghiệm tại Trung tâm đã được công bố ở khoảng 200 bài báo, trong đó khoảng 80 bài đăng ở các tạp chí khoa học quốc tế (hầu hết trong danh mục ISI/Scopus) và các Hội nghị khoa học quốc tế. Trung tâm phối hợp với các đơn vị thuộc BK-Holdings thực hiện các hoạt động hợp tác, tư vấn kỹ thuật với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học (Viện Hóa học Công nghiệp, Viện Dầu khí Việt Nam, Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang-NTU Singapore, Viện nghiên cứu ô tô Nhật Bản-JARI…), các doanh nghiệp (Piaggio Việt Nam, Công ty ô tô MAZ, VMEP, Vintech (VinGroup)…).

Trong hoạt động đào tạo sau đại học, Trung tâm đã thực hiện thử nghiệm phục vụ nội dung luận án của 30 NCS ngành Kỹ thuật Cơ khí động lực do thầy, cô Viện Cơ khí động lực hướng dẫn, đảm bảo tiến độ về thời gian và chất lượng. Khoảng 150 học viên Cao học tham gia nghiên cứu hoặc sử dụng kết quả nghiên cứu tại Trung tâm cho nội dung luận văn Thạc sĩ. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ nhiều học viên cao học, NCS từ các trường bạn như ĐHBK Đà Nẵng, Học viện KTQS, ĐHGTVT, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Hàng Hải Việt Nam… đến làm nghiên cứu, thử nghiệm phục vụ nội dung đề tài, luận án.

Đối với đào tạo đại học, hàng năm khoảng 400 sinh viên các khóa ngành Kỹ thuật Ô tô tham gia thí nghiệm, thực hành, thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại Trung tâm. Nhiều đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học thực hiện tại Trung tâm đạt giải cao ở cấp Viện, cấp Trường. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu và thiết bị thử nghiệm tại Trung tâm cũng giúp cho nhiều học sinh phổ thông hiểu rõ hơn về ngành Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật Cơ khí động lực trong các chuyến tham quan thực tế, các dịp Open Day… trước kỳ thi tuyển sinh đại học.

Qua gần 20 năm hoạt động đến nay Trung tâm đã trở thành một đơn vị nghiên cứu mạnh, có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển các nguồn động lực, nhiên liệu và giảm phát thải cho phương tiện giao thông. Đồng thời, Trung tâm đã và đang thực hiện liên kết các PTN, nhóm nghiên cứu để đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng mới, các loại phương tiện tự hành nhằm đáp ứng yêu cầu về sử dụng năng lượng hiệu quả, thân thiện với môi trường và phương tiện thông minh trong thời đại công nghiệp 4.0.

2.Mục tiêu, chức năng nhiệm vụ

– Mục tiêu chung

Trở thành một Trung tâm nghiên cứu mạnh về các nguồn động lực hiệu quả cao, thân thiện với môi trường và các loại phương tiện tự hành; đảm bảo thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo các cấp, đồng thời cung cấp nhân lực trình độ cao, các giải pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

– Chức năng, nhiệm vụ:

  • Nghiên cứu khoa học

Tham gia tổ chức và thực hiện các đề tài, dự án khoa học các cấp, liên kết hợp tác nghiên cứu với các Trung tâm, Viện nghiên cứu, các tổ chức, đơn vị đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước trong lĩnh vực Cơ khí động lực và các lĩnh vực liên quan.

  • Chuyển giao công nghệ, dịch vụ tư vấn kỹ thuật

Thực hiện các nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí động lực có khả năng ứng dụng trong thực tiễn; cung cấp các dịch vụ tư vấn kỹ thuật, thử nghiệm đánh giá chất lượng, hiệu quả và tác động môi trường của các nguồn động lực và phương tiện tự hành; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách liên quan.

  • Đào tạo

Tham gia thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo phân công của Trường Cơ khí, liên kết phối hợp và hỗ trợ đào tạo các cấp với các đơn vị trong và ngoài trường, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao và Sau đại học, với sự trợ giúp của các thiết bị thử nghiệm và phần mềm tính toán mô phỏng hiện đại trong lĩnh vực Cơ khí động lực.

homescontents