Sáng ngày 14/5/2025, Trường Cơ khí – Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ điện tử. Hội thảo diễn ra từ 9h đến 12h30 tại phòng 633M, nhà C7, với sự tham dự của khoảng 40 chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và đại diện doanh nghiệp có nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Cơ điện tử.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS. TS. Trương Hoành Sơn – Hiệu trưởng Trường Cơ khí – nhấn mạnh vai trò thiết yếu của việc xây dựng một chương trình Tiến sĩ liên ngành, hiện đại, phù hợp với xu thế công nghệ mới và gắn liền với thực tiễn. Ông cho rằng chương trình cần hướng đến đào tạo những nhà nghiên cứu có năng lực chuyên sâu, khả năng lãnh đạo và thích ứng linh hoạt với các thách thức trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số.
PGS. TS. Trương Hoành Sơn – Hiệu trưởng Trường Cơ khí phát biểu khai mạc hội thảo
Đại diện hội đồng xây dựng chương trình, PGS. Nguyễn Thành Hùng đã trình bày về chuẩn đầu ra, khung chương trình và kế hoạch đào tạo tiến sĩ kỹ thuật Cơ điện tử của trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội. PGS. Nguyễn Trọng Du đã báo cáo kết quả khảo sát từ các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực cơ điện tử; các cựu sinh viên và những đơn vị sử dụng nhân lực tốt nghiệp chuyên ngành Cơ điện tử. Kết quả cho thấy nhu cầu về tiến sĩ kỹ thuật Cơ điện tử là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
PGS. Nguyễn Thành Hùng trình bày tại hội thảo
Trong phần thảo luận tại hội thảo,các chuyên gia đã đưa ra những ý kiến đóng góp giá trị giúp hội đồng xây dựng chương trình hoàn thiện đề án. Đặc biệt, TS. Lê Xuân Hải (ĐHQGHN), PGS. TS. Đào Duy Trung (Viện Nghiên cứu Cơ khí – Bộ Công Thương) và TS. Trần Anh Quân (IMI Holding) đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc bổ sung các học phần thể hiện năng lực số của nghiên cứu sinh. Các chuyên gia đề xuất chương trình nên tích hợp nội dung về sử dụng công cụ số phục vụ nghiên cứu, phân tích và mô phỏng hệ thống, xử lý dữ liệu lớn (big data), và ứng dụng trí tuệ nhân tạo – những kỹ năng nền tảng trong nghiên cứu phát triển (R&D) hiện đại.
Về phần chuẩn đầu ra, các đại biểu đánh giá chương trình đã xây dựng được hệ thống PLO tương đối đầy đủ và có tính phân tầng. Tuy nhiên, cần tiếp tục điều chỉnh một số cụm từ để tăng tính rõ ràng, đo lường được, đồng thời tránh trùng lặp giữa các nội dung. Nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng cường kỹ năng mềm, năng lực hội nhập quốc tế và kết nối thực tiễn trong đào tạo nghiên cứu sinh.
Phát biểu tổng kết hội thảo, PGS. TS. Dương Ngọc Khánh – đại diện Ban Đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội – gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng. Ông khẳng định, hội thảo là bước khởi đầu quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, giúp đảm bảo chất lượng, tính khả thi và phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường cũng như nhu cầu thực tiễn.
PGS. TS. Dương Ngọc Khánh – đại diện Ban Đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội tổng kết hội thảo
Bài viết: Nguyễn Trọng Du
Ảnh: HT