Chương trình kỹ thuật Nhiệt

Chương trình kỹ thuật Nhiệt

  1. Mục tiêu đào tạo:

       Kỹ thuật Nhiệt là khoa học nghiên cứu về sự truyền, tích lũy và biến đổi năng lượng nhiệt, qua đó giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất, chuyển hóa và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là ngành có mặt trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng. Bởi vậy, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Nhiệt được xây dựng theo hướng kỹ thuật, để đào tạo kỹ sư có năng lực chuyên môn để giải quyết các vấn đề liên quan đến thiết kế, chế tạo và vận hành các hệ thống năng lượng và nhiệt – lạnh, có khả năng thích nghi và áp dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

       Ngành Kỹ thuật Nhiệt gồm 04 lĩnh vực đào tạo:

    1. Công nghệ năng lượng và nhiệt điện
    2. Hệ thống và thiết bị nhiệt
    3. Công nghệ lạnh và điều hòa không khí
    4. Tự động hóa và điều khiển quá trình nhiệt – lạnh

Mục tiêu đào tạo:

Khi tham gia chương trình đào tạo Kỹ sư ngành kỹ thuật nhiệt, sinh viên được trang bị các kiến thức và kỹ năng về:

    1. Cơ khí, điện – điện tử, tự động hóa nhằm giúp người học có đủ năng lực giải quyết các vấn đề liên quan tới ngành năng lượng và nhiệt – lạnh cũng như những công việc khác nhau trong lĩnh vực cơ – điện – năng lượng;
    2. Bản chất của các quá trình và thiết bị năng lượng và nhiệt – lạnh, để chế tạo, vận hành, bảo trì sản phẩm và các hệ thống năng lượng trong công nghiệp, thương mại và dân dụng để giải quyết các vấn đề công nghệ và môi trường.
    3. Kỹ năng chuyên nghiệp và phẩm chất cá nhân, kỹ năng xã hội cần thiết và giao tiếp để làm việc hiệu quả trong nhóm đa ngành và trong môi trường hội nhập quốc tế;
    4. Có năng lực khởi nghiệp và thích ứng tốt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
    5. Hiểu biết về chính trị, kinh tế; có kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn phù hợp để đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của đất nước.

 2. Các trải nghiệm người học

      Khoa Năng lượng Nhiệt (Trường Cơ khí) với bề dày lịch sử hơn 60 năm là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên sâu về ngành kỹ thuật nhiệt với đầy đủ các lĩnh vực. Tại đây, sinh viên sẽ được học tập dưới sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên trình độ cao với hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy và ứng dụng thực tế. Bên cạnh chương trình giảng dạy lý thuyết, sinh viên còn được thực hành tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hiện đại, tham gia thực tập tại các doanh nghiệp và nhà máy, làm việc theo các chương trình kết hợp với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sinh viên được thực tập và đào tạo ngắn hạn tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước như: Daikin, LG Electronics Vietnam, Samsung, Panasonic, NSN, Bách khoa Á châu, Đỉnh Việt, Mitsubishi Electrics Vietnam, Coteccons, Johnson Controls, các công ty/nhà máy nhiệt điện,… với tổng thời gian thực tập từ 3 đến 6 tháng.

         Đặc biệt, hàng năm, các chương trình liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước đều tài trợ học bổng để khuyến khích, động viên sinh viên có thành tích học tập cao, học bổng toàn phần 25 triệu/năm và học bổng bán phần 15 triệu/năm, ngoài ra còn rất nhiều học bổng khuyến khích khác với tổng giá trị từ 200 đến 250 triệu/ năm; chương trình hỗ trợ nghiên cứu 150 triệu/năm.

        Sau khi tốt nghiệp, ngoài ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh (TOEIC ≥ 500), hàng năm có khoảng 30 sinh viên có cơ hội nhận học bổng đào tạo tiếng Nhật, công nghệ và văn hóa Nhật Bản do Khoa Năng lượng Nhiệt và công ty Willtec (Nhật Bản) tổ chức. Những kỹ sư đạt chuẩn tiếng Nhật và kiến thức chuyên môn sẽ được nhận làm việc tại các công ty của Nhật.

       Các hoạt động ngoại khóa của Khoa năng lượng Nhiệt phong phú và đa dạng, từ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ như: CLB nhà thiết kế trẻ trong lĩnh vực thông gió và điều hòa không khí, CLB tiếng Anh, CLB sinh viên nghiên cứu khoa học,… Những hoạt động ngoại khóa này góp phần tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện thể lực cho sinh viên, tăng cường tinh thần giao lưu, đoàn kết trong cộng đồng sinh viên trong trường, tạo ra môi trường tâm lý xã hội tích cực trong học tập.

  1. Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp:

        Nhu cầu sử dụng nhân lực trình độ cao ngành kỹ thuật nhiệt là rất lớn, ước tính 1000 – 1500 vị trí/năm, trong khi năng lực đào tạo hàng năm trên toàn quốc chỉ khoảng 800 – 1200 cử nhân và kỹ sư, nhiều sinh viên ngành nhiệt chỉ mới năm thứ 4 đã có thể tìm được việc làm. Do vậy nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của ngành kỹ thuật nhiệt có việc làm ngay sau tốt nghiệp là rất cao (trên 90%), trong những năm qua luôn thuộc nhóm 5 ngành cao nhất trường ĐHBK Hà Nội.

         Mức lương trung bình của kỹ sư ngành nhiệt sau khi tốt nghiệp từ 12 đến 15 triệu/tháng.

        Nơi làm việc có thể phát huy tốt chuyên môn được đào tạo là ở các nhà máy nhiệt điện, dầu khí, hoá chất, dệt may, xi măng,… các nhà máy sản xuất thiết bị lạnh và điều hoà không khí, nhà máy chế biến thực phẩm, thuỷ hải sản, các ngành công nghiệp khác: xây dựng, dịch vụ khách sạn, ngành chế tạo ôtô, tàu thủy, các Viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý và tư vấn năng lượng. Đặc biệt có nhiều kỹ sư ngành kỹ thuật nhiệt đã tự thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp và rất thành công. Nhiều cựu sinh viên ngành nhiệt đã và đang đảm nhiệm các chức vụ quản lý cấp cao trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Một số cựu sinh viên tiêu biểu:

    1. Nguyễn Quân (K16) – Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, hiện là Chủ tịch mạng lưới cựu sinh viên Bách khoa
    2. Trương Duy Nghĩa (K3) – Nguyên Đại biểu Quốc Hội khóa VIII, hiện là Chủ tịch Hội KHKT Nhiệt Việt Nam.
    3. Hoàng Bá Chư, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHBK Hà Nội
    4. Trần Văn Lượng (K21) – Nguyên Cục trưởng Cục Kỹ Thuật An Toàn và Môi Trường Công Nghiệp (Bộ Công Thương), hiện là Chủ tịch Hội Khoa học môi trường công nghiệp và Hội KH&KT Nhiệt Việt Nam
    5. Nguyễn Xuân Tiên (K9) – Phó Chủ Tịch kiêm TTK Hội KHKT Lạnh &ĐHKK Việt Nam.
    6. Đinh Văn Thuận (K18) – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Polyco
    7. Vũ Lâm Khánh (K40) – Phó GĐ, Trung tâm kiểm định, Bộ Xây Dựng.
    8. Ông Trần Hữu Nam (K17) – Tổng Giám Đốc Công ty Cổ Phần Nhiệt Điện Hải Phòng.
    9. Ông Nguyễn Tiến Nga (K41) – Giám đốc Công ty TNHH Bách Khoa Á Châu.

4. Thời gian đào tạo

  • Thời gian đào tạo chương trình tích hợp cử nhân – kỹ sư: 5 năm.
  • Thời gian đào tạo chương trình tích hợp cử nhân – thạc sỹ: 5,5 năm.
  • Thời gian đào tạo chương trình Tiến sỹ: 3 – 4 năm.

  Miêu tả khung chương trình đào tạo tham khảo: tại đây.

5. Giám đốc CTĐT:

Tên Email tư vấn Số điện thoại
TS. Trịnh Quốc Dũng dung.trinhquoc@hust.edu.vn 0963 860 588

Đặt câu hỏi