Giới thiệu chung

Giới thiệu chung

1. Giới thiệu Bộ môn

Bộ môn Truyền thông và Mạng máy tính (Data Communications and Computer Networks) là đơn vị đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính, chuyên sâu về lĩnh vực Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu cho các hệ đào tạo chính quy, cử nhân, kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ. Đồng thời, Bộ môn thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề tiên tiến trong lĩnh vực Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu.

Bộ môn Truyền thông và Mạng máy tính  là một trong 2 bộ môn được thành lập mới vào tháng 9-2000 của Khoa CNTT (nay là Viện CNTT&TT). Từ ngày thành lập tới nay, với lực lượng có trình độ chuyên môn cao,  Bộ môn đã không ngừng nâng cao khả năng đào tạo các kỹ sư, và chuyên gia có trình độ cao của ngành Công nghệ thông tin trong lĩnh vực Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu.

Hiện nay chuyên môn đào tạo chính: Đào tạo ngành rộng Kỹ thuật máy tính với định hướng Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu và định hướng An toàn thông tin ở các hệ Cử nhân, Kỹ sư. Đối với đào tạo sau đại học, Bộ môn đảm nhận các chương trình Thạc sỹ kỹ thuật “Mạng máy tính và An toàn thông tin”, Thạc sỹ khoa học “Kỹ thuật máy tính”, chương trình tiến sỹ “Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu”, …

Với số lượng ra trường đồng đều hàng năm, kỹ sư CNTT chuyên ngành Truyền thông và Mạng máy tính đã giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tập đoàn lớn và có những công ty khởi nghiệp thành công. Những sinh viên do Bộ môn đào tạo và dìu dắt đã trở thành những kỹ sư vững vàng về chuyên môn, có khả năng nghiên cứu, thiết kế, phát triển và triển khai các giải pháp, ứng dụng, hệ thống và dịch vụ đặc thù trong lĩnh vực Mạng máy tính, IoT, Truyền thông đa phương tiện, Các hệ thống di động thông minh, An ninh thông tin và mạng.

Bộ môn đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu. Cho đến năm 2019, các cán bộ Bộ môn đã chủ trì trên 30 đề tài cấp Bộ, Nhà nước và Quốc tế, hợp tác trong nước, quốc tế và đã đạt các giải thưởng uy tín cấp quốc gia trong lĩnh vực CNTT&TT như giải thưởng Nhân tài đất Việt.

Bộ môn tập trung phát triển trong những mảng nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng trong việc phát triển những sản phẩm mang lại lợi ích cho cộng đồng về Các hệ thống dịch vụ trực tuyến thông minh; Hệ thống Xử lý dữ liệu và Truyền thông đa phương tiện; Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hữu ích sử dụng công nghệ IoT và AI trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thông minh; Các hệ thống định vị và dẫn đường; Các giải pháp và hệ thống An toàn an ninh thông tin và mạng, …. Đây là các định hướng ứng dụng phù hợp với Công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số.

2. Một số hình ảnh tiêu biểu

Hình 1. Những năm đầu thành lập (2001)

Hình 2. Đào tạo và phát triển

Hình 3. Nghiên cứu khoa học – Đề tài KC01.09

Hình 4. Các sinh viên và cán bộ phát triển nhánh Truyền dữ liệu đa phương tiện trong đề tài KC01.09

Hình 5, 6, 7. Đề tài KC 01.11. Triển lãm sản phẩm

Hình 8. Bộ môn mở rộng và phát triển

Hình 9. Cán bộ bộ môn năm 2015

3. Các kết quả nghiên cứu thực sự tiêu biểu kèm hình ảnh

3.1. Hệ thống Xác thực đa sinh trắc và BioPKI sử dụng công nghệ nhúng

Hệ thống xác thực đa sinh trắc là sản phẩm của đề tài Nghị định thư 2009-2010 với Malaysia và đề tài Khoa học công nghệ cấp Nhà nước KC 01.11. Hệ thống cung cấp khả năng kiểm soát truy nhập và an toàn giao dịch điện tử sử dụng khóa đa sinh trắc dựa trên vân tay, vân lòng bàn tay trong xác thực chủ thể. Với việc áp dụng công nghệ nhúng trong quá trình lưu trữ và bảo vệ khóa riêng, độ an toàn và khả năng chống giả mạo trong các pha giao dịch điện tử được cải thiện so với các mô hình truyền thống.

 

3.2. Hệ thống xử lý tấn công DDoS và phát hiện Botnet

Sản phẩm hệ thống phát hiện xâm nhập mạng dựa trên các kỹ thuật AI cho phép phát hiện một số dạng tấn công từ chối dịch vụ phân tán, phát hiện mạng Botnet. Hệ thống là sản phầm của các đề tài cấp Bộ liên tục từ những năm 2009 đến 2018 và vẫn đang tiếp tục được phát triển để có thể phát hiện tấn công theo hành vi. Sản phẩm cho phép giảm số lượng nguồn tấn công bằng cách phát hiện các Botnet, từ đó làm giảm thiểu ảnh hưởng của Botnet; Trực tiếp xử lý tấn công SYN flood khi xảy ra bằng cách phát hiện tấn công kịp thời và xây dựng những cơ chế lọc chặn và điều hướng tấn công.

 

3.3. Hệ thống IoT kết hợp AI phục vụ giám sát và điều khiển các quá trình nông nghiệp thông minh

Hệ thống giám sát và điều khiển hệ thống nuôi trồng rau thủy canh, có thể triển khai tại những cơ sở nông nghiệp lớn và các thành phố lớn. Đây là sản phẩm của các đề tài cấp Bộ và đề tài hợp tác quốc tế IVO trong những năm từ 2015 đến nay. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở mạng lưới cảm biến kiểm soát các tham số môi trường nuôi trồng, các hệ thống điều khiển thiết bị cung cấp các điều kiện dinh dưỡng và bộ quyết định dựa trên AI cho phép đưa ra những quyết định điều khiển phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.

 

3.4. Hệ thống thu nhận và quản lý dữ liệu y tế an toàn dựa trên IoT và Cloud Computing

Hệ thống quản lý hồ sơ y tế được triển khai trên điện toán đám mây và kết hợp các cơ chế an toàn thông tin trong các kết nối với mạng lưới thu nhận dữ liệu y tế qua các thiết bị di động và cảm biến y tế. Dữ liệu y tế được đảm bảo tính riêng tư, tính xác thực và bảo mật trong toàn bộ quá trình truyền từ các thiết bị thu nhận tới các hệ thống lưu trữ trên điện toán đám mây. Các cơ chế an toàn thông tin cho mô hình kết hợp mạng vạn vật IoT hướng điện toán đám mây làm trung tâm (Cloud centric IoT) bao gồm: các cơ chế xác thực thiết bị dựa trên hạ tầng PKI không tường minh (IC-PKI), an toàn dữ liệu trong nền tảng IoT OM2M, cơ chế xác thực khi truy cập vào hệ thống đám mây dữ liệu của IoT, an toàn dữ liệu thu nhận từ mạng IoT để lưu trữ trong điện toán đám mây.